Những thắc mắc thường gặp khi dùng thuốc tránh thai
Dưới đây là một số tư vấn của phó giáo sư Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Đại học Y (Hà Nội) và bác sĩ Phó Đức Nhuận, Bệnh viện Phụ sản Trung ương trong việc sử dụng thuốc tránh thai hằng ngày:
1. Những ai không được dùng thuốc tránh thai?
Không chỉ có tác dụng ngừa thai, thuốc tránh thai cũng là một loại thuốc để chữa một số chứng bệnh như kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, rong kinh… Vì thế, không phải ai cũng dùng được.
Những phụ nữ khỏe mạnh, trong độ tuổi sinh đẻ, không có bệnh mạn tính đều có thể dùng thuốc tránh thai. Có một số trường hợp không dùng được hoặc khi dùng phải cẩn trọng là những người mắc một số bệnh như: tim, gan, tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn đông máu hoặc từng bị viêm tắc tĩnh mạch, bị chứng đau nhức nửa đầu, từng bị ung thư hoặc nghi ngờ có thể bị ung thư, có khối u lành tính ở vú, ở tử cung hay buồng trứng…
Ngoài ra, những phụ nữ trên 40 tuổi, trước đây chưa từng dùng thuốc tránh thai thì nay không nên dùng, nhưng nếu trước đó đã dùng thường xuyên thì nên tiếp tục dùng cho đến lúc mãn kinh. Những phụ nữ nghiện thuốc lá thì đến 35 tuổi cũng không nên dùng cách tránh thai này vì nguy cơ viêm tĩnh mạch tăng lên.
2. Những tác dụng phụ thường gặp?
Thuốc có thể có một số tác dụng phụ: buồn nôn, căng tức vú, nhức đầu nhẹ, lượng máu kinh giảm, thậm chí bị mất kinh… Ngoài ra, còn có một số tác dụng phụ hiếm gặp như thay đổi tính tình, tăng cân, tăng huyết áp, sạm da mặt, tăng trứng cá.
Những tác dụng này thường chỉ xuất hiện ở giai đoạn đầu khi mới dùng thuốc, sau đó giảm dần hoặc mất hẳn. Dù vậy, khi có các dấu hiệu bất thường như đau tức vùng ngực, rối loạn thị lực thì cần hỏi ý kiến bác sĩ xem có nên tiếp tục dùng vì đây có thể là những dấu hiện có thể dẫn đến viêm tắc tĩnh mạch hoặc vàng da ảnh hưởng xấu tới gan…
3. Làm gì khi quên uống thuốc?
Khi dùng thuốc dạng viên kết hợp, nếu bị quên một ngày thì trong những ngày hôm sau, nhớ ra lúc nào thì uống bù ngay một viên lúc đó, đến giờ uống thuốc hàng ngày uống viên tiếp theo (ngày đó uống hai viên). Trường hợp quên 2 viên trong hai ngày liên tiếp thì uống bù mỗi ngày một viên trong 2 ngày liên tục. Những ngày sau đó, uống theo lịch mỗi ngày một viên như trước.
Điều cần lưu ý là nếu có quan hệ tình dục thì phải sử dụng bao cao su tránh thai trong 7 ngày (kể từ ngày phát hiện quên thuốc).
Nếu đã quên uống thuốc 3 ngày liền thì bỏ hẳn vỉ thuốc đó để dùng vỉ mới (từ viên số 1 trở đi) và cũng phải sử dụng bao cao su trong 7 ngày nếu có quan hệ tình dục. Do phải uống sang vỉ mới nên kinh nguyệt của tháng đó sẽ chậm lại một vài ngày, tuy nhiên không có gì đáng ngại.
4. Uống thuốc tránh thai lâu ngày có gây ung thư vú?
Không có mối liên hệ nào giữa uống thuốc tránh thai và ung thư vú. Tuy nhiên, nếu người phụ nữ được xác định là bị ung thư (ung thư vú hay bất cứ loại ung thư cơ quan sinh dục nào) thì đều không được sử dụng thuốc tránh thai cũng như tất cả các loại thuốc nội tiết tố khác.
Ung thư vú là bệnh có liên quan tới estrogen. Hiện các nhà khoa học vẫn tranh luận những phụ nữ từng chữa khỏi ung thư vú liệu có được tiếp tục sử dụng thuốc tránh thai hay không?
5. Thuốc tránh thai có gây vô sinh?
Thuốc tránh thai là biện pháp ngừa thai có hồi phục, chỉ có tác dụng ngừa thai trong thời gian dùng thuốc, còn ngừng thuốc là có khả năng mang thai ngay. Thậm chí, trước đây, bác sĩ còn dùng thuốc tránh thai để điều trị cho những trường hợp khó mang thai. Vì thế, không có căn cứ nào để nói dùng thuốc tránh thai lâu có thể dẫn đến vô sinh.
Dùng thuốc tránh thai 6 năm, thậm chí lâu hơn rồi ngừng thuốc thì chị em vẫn có khả năng mang thai ngay. Tuy nhiên, nếu có ý định có bầu thì nên ngừng thuốc tránh thai vài tháng mới “thả”, vì nếu không rất dễ mang song thai, đa thai.
Phương Trang