Sự lôi cuốn của giới tính

Trong bài viết có tựa đề “Chỉ nói về việc tiết chế – giáo dục giới tính không dẫn đến hành vi kiêng khem” đăng trên Sciene Daily, tác giả David Hall và Kathrin Stanger đưa ra nhận định giáo dục về sự tiết chế trong các chương trình giáo dục giới tính tại trường học công chỉ tạo nên tỉ lệ mang thai cao hơn ở thanh thiếu niên Mỹ. Nghiên cứu này cho thấy tại những bang mà giáo dục giới tính bao hàm cả việc nói về HIV, về tình dục song hành cùng các biện pháp tránh thụ thai, tỉ lệ trẻ vị thành niên mang thai thường thấp hơn những bang giáo dục giới tính nhấn mạnh việc ngăn cấm quan hệ cho đến khi kết hôn.
Nghiên cứu cho thấy cách giáo dục kiểu đe dọa, tô đen cho một chiều thường đem lại tác dụng phụ không mong muốn, thường thấy nhất là sự ngấm ngầm phản đối hoặc tìm cách vượt khỏi vòng kiềm tỏa của cha mẹ.

Kể cả khi có người lớn theo dõi…

Tại Việt Nam chưa có nghiên cứu cụ thể, nhưng sự bốc đồng của thanh thiếu niên và sự biến chuyển của môi trường sống trong làn sóng toàn cầu hóa khiến tình trạng không khác mấy. Với lịch học hiện nay của học sinh cấp II, cấp III, nhiều bậc cha mẹ cứ đinh ninh con trẻ sẽ miễn nhiễm với mọi chuyện khi luôn có người lớn bên cạnh theo dõi.

Tôi có một cô bạn làm giám thị tại một trường quốc tế. Câu chuyện cô kể về học sinh của trường có lẽ sẽ thay đổi suy nghĩ của cha mẹ về việc giám sát con sát sao. Ngôi trường của cô đảm bảo với phụ huynh về nề nếp học tập. Camera được gắn khắp trường theo dõi học sinh liên tục. Thế nhưng trong một tiết học, cô đã không tin vào mắt mình khi camera ghi lại cảnh hai học sinh nam và nữ cùng rủ nhau vào phòng vệ sinh nam hơn 15 phút mới ra.

Câu chuyện râm ran trong giáo viên rồi sau đó rơi vào im lặng vì nhà trường không muốn làm lớn chuyện. Còn các thầy cô giám thị sau đó được yêu cầu phải chú ý hơn đến những khu vắng vẻ trong trường để tránh trường hợp tương tự. Rõ ràng trong chuyện này, camera quan sát, thầy cô giám thị và sự ủy quyền của các bậc phụ huynh không kiềm chế được sự cuốn hút về giới tính của học sinh.

su loi cuon

Giới tính không chỉ là chuyện quan hệ

Tranh cãi về hoạt động giáo dục giới tính tại Việt Nam chủ yếu vẫn dừng lại ở giới hạn chương trình trong nhà trường. Trong khi đó giáo dục giới tính, cụ thể là chuyện có hành vi tình dục, chỉ là một phần trong cả hệ thống giáo dục sức khỏe của thanh thiếu nên. Đó còn là những bài học giúp hiểu rõ hơn về cơ thể, đơn giản như vì sao phải thường xuyên rửa tay, vì sao cần tập thể dục? Làm thế nào để biết cơ thể đã sẵn sàng cho chuyện quan hệ? Làm sao để biết chúng ta đã sẵn sàng có con? Những cách đặt vấn đề này không làm tình dục trở thành điều cấm kỵ mà trở thành chủ đề bàn luận, đặc biệt nhấn mạnh đến hệ quả của chuyện quan hệ tình dục – điều mà thanh niên thường không chú tâm khi có ý vượt rào.

Với mục đích ngăn chặn trẻ vị thành niên trở thành cha mẹ bất đắc dĩ thì phụ huynh có nhiều cách tiếp cận với con. Một chị bạn của tôi có con trai đang ở lứa tuổi “cưa bom”. Nguy cơ một ngày bác sĩ bắt cưới hiện diện gần vì con chị khá đẹp trai và được phong là hotboy.

Một ngày, cậu con trai học lớp 12 dẫn về nhà một cô bạn. Trái với cách ứng xử lạnh nhạt mà các bậc cha mẹ hay làm khi con dẫn bạn khác giới về nhà, chị ân cần nói chuyện với cô bạn trẻ, hỏi thăm chuyện học hành và bạn bè của hai đứa. Rủ rỉ rù rì, chị nhắn nhủ cô bé: “Con là con gái phải cẩn thận, bọn con trai bây giờ ghê lắm. Có chuyện gì xảy ra thì người chịu thiệt là phụ nữ đó con”. Mặt khác, chị lấy quyền làm mẹ nửa đùa nửa thật răn đe cậu trai trẻ: “Nghiêm cấm không được bỏ bạn gái, mẹ mà nghe nói con bỏ bạn là biết tay mẹ”.

Cuộc nói chuyện không căng thẳng lại tạo hiệu ứng tốt. Đến giờ, khi cậu nhóc lên đại học vẫn thấy hai đứa đi chung với nhau, cùng học, cùng tham gia các hoạt động của trường. Còn chị bạn tôi vẫn trên tinh thần cảnh giác, luôn đợi cơ hội là tiếp tục bài giảng về sự thiệt thòi của con gái. Với chị, không nhất thiết phải nói về quan hệ tình dục, nhưng khi đã nói về sự thiệt hơn của hậu quả do quan hệ trước hôn nhân mà bọn trẻ vẫn cứ vi phạm thì chúng phải tự chịu trách nhiệm đối với quyết định của mình. Chị chỉ làm được đến thế. Chị kết luận.

Cách hành xử của chị cũng là một cách để tham khảo. Thay vì tạo ra hố ngăn cách, chị chọn cách trở thành bạn đồng hành. Có thể sẽ có người bảo chị bạn tôi làm sao dám chắc đôi trẻ kia không vượt rào? Nhưng chắc chắn một điều đôi trẻ kia sẽ biết cân nhắc khi quyết định vượt qua khỏi giới hạn bạn bè bình thường.

Rõ ràng càng lạnh lùng, khép kín, xã hội càng tạo ra hố ngăn cách và khiến người trẻ hành động theo bản năng nhiều hơn. Vì vậy, chọn một cách chia sẻ thẳng thắn theo góc nhìn Á Đông là điều cần cân nhắc trong việc giáo dục giới tính hiện nay. Tôi xin khép lại bài này với nhận định của Stanger – Hall trong nghiên cứu về hoạt động giáo dục giới tính tại Mỹ như sau: “Nếu trường học không dạy học sinh về cách duy trì nòi giống, bao gồm cả thực hành quan hệ vợ chồng đúng cách để chống lại việc mang thai ngoài ý muốn và các bệnh lây truyền qua đường tình dục như cách người lớn chúng ta đang làm, thì chúng sẽ học ở đâu và từ ai?”.

“các bạn có thể xem thêm kiến thức giới tính tại đây”